• Chia sẻ qua Zalo
  • Chia sẻ FB
  • Góp ý & Báo lỗi
  • Bình luận0

Lừa đảo qua mạng xã hội: Người bị hại nên trình báo ngay với công an

Để xử lý được kẻ lừa đảo cũng như lấy lại số tiền bị lừa, người bị hại nên trình báo lừa đảo với cơ quan có thẩm quyền được giải quyết.

Theo số liệu thống kê của Digital, tính tới tháng 6/2021, số lượng người dùng Internet ở Việt Nam là gần 70 triệu, tăng 0,8% trong giai đoạn 2020-2021 (chiếm hơn 70% dân số); số người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam là gần 76 triệu người, tăng gần 10 triệu người trong vòng 1 năm (tương đương 73,7% dân số). Mỗi ngày, người dùng Việt Nam dành tới gần 7 giờ để tham gia các hoạt động liên quan tới Internet.


Cục Viễn thông (Bộ TT và TT) yêu cầu nhà mạng sử dụng biện pháp kỹ thuật để chặn cuộc gọi giả mạo chiếm đoạt tài sản khách hàng

Thời gian gần đây, các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng như lừa đảo môi giới việc làm, đưa người đi xuất khẩu lao động, kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử, giả danh tin nhắn của ngân hàng để lừa khách hàng bấm vào đường link giả mạo chiếm đoạt tài sản... vẫn xảy ra. Dù hành vi này không còn mới nhưng vẫn nhiều người mắc bẫy như trường hợp của một người trú tại phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, một người trú tại quận Long Biên thành phố Hà Nội mất hơn 2 tỷ đồng bằng hình thức chuyển tiền để xin việc, lấy hàng, làm ăn cho tài khoản Facebook, Zalo…. Các đối tượng bằng nhiều hình thức và thủ đoạn tinh vi dẫn dụ, đưa người sử dụng lạc lối vào mê hồn trận để chiếm đoạt tài sản.

Luật sư Nguyễn Hữu Toại - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hừng Đông cho biết: Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 quy định: Người có hành vi gian dối phải chịu trách nhiệm hình sự khi bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 trở lên. Đối với trường hợp chiếm đoạt dưới 2.000.000 sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu thuộc một trong các trường hợp: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

Luật sư Nguyễn Hữu Toại - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hừng Đông.

Căn cứ theo theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021 quy định phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả.

Luật sư Toại cũng cho biết, bên cạnh việc xử phạt vi phạm hành chính, đối một số trường hợp sau sẽ bị xử lý hình sự:

Căn cứ theo Điều 174 Bộ luật Hình sự quy định tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:

- Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

- Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm đối với một trong các trường hợp: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; Tái phạm nguy hiểm; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

- Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm đối với một trong các trường hợp: Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 174 Bộ luật Hình sự; Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

- Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân đối với một trong các trường hợp: Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng

- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Để xử lý được kẻ lừa đảo cũng như lấy lại số tiền bị lừa, người bị hại nên trình báo lừa đảo với cơ quan có thẩm quyền được giải quyết.

Việc đầu tiên cần làm khi phát hiện mình bị lừa đảo qua mạng là thu thập tất cả các thông tin như nội dung tin nhắn, số điện thoại, tài khoản ngân hàng lừa chuyển khoản… để làm chứng cứ tố giác với cơ quan chức năng.

Sau khi có đầy đủ thông tin, chứng cứ chứng minh về việc lừa đảo, người bị hại có thể tố giác hành vi lừa đảo này tới Công an nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú) để được giải quyết.

Nếu làm đơn tố giác gửi đến cơ quan Công an, người tố giác cần chuẩn bị hồ sơ gồm:

- Đơn trình báo công an;

- Chứng minh thư nhân dân/Căn cước công dân của bị hại (bản sao công chứng);

- Chứng cứ kèm theo để chứng minh (video, hình ảnh, ghi âm có chứa nguồn thông tin của hành vi phạm tội…).

Trường hợp tới tố cáo trực tiếp, người tố cáo cũng mang theo Chứng minh thư nhân dân/Căn cước công dân và chứng cứ kèm theo để cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận thông tin.

Hoặc người dân có thể gọi ngay đến đường dây nóng: 0692348560 của cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an./.

Tin liên quan