• Chia sẻ qua Zalo
  • Chia sẻ FB
  • Góp ý & Báo lỗi
  • Bình luận0

Những nơi bẩn nhất trong nhà

Hầu hết đều nghĩ phòng tắm hoặc cửa ra vào là nơi bẩn nhất trong nhà. Tuy nhiên bụi bẩn, vi khuẩn ẩn náu ở những nơi không ngờ tới.

Vòi nước

Nếu chưa bao giờ tháo vòi nước ra rửa, nhiều khả năng bạn sẽ tìm thấy lớp váng đen, nấm mốc tồn tại ở đầu vòi, nơi bạn uống, nấu nướng và đánh răng hàng ngày.

Mỗi tháng một lần tháo bộ phận máy sục khí ở vòi, bằng cách vặn ngược chiều kim đồng hồ, rồi ngâm trong giấm ít nhất 15 phút. Dùng bàn chải đánh răng cọ nhẹ các bộ phận để loại bỏ cặn bẩn. Rửa sạch và lắp lại như cũ.

Tay nắm cửa và công tắc

Hãy nghĩ đến tay nắm cửa tủ lạnh và các cửa phòng, công tắc đèn, vòi xịt toilet. Những chỗ này vô cùng bẩn nhưng lại dễ bị bỏ qua trong quá trình vệ sinh vì chúng nhỏ lẻ. Tuy nhiên tất cả các thành viên gia đình đều chạm vào các vị trí này mỗi ngày, vì thế có nhiều cơ hội cho vi khuẩn sinh sôi nhất.

Sử dụng một miếng vải sợi nhỏ, nhúng qua dung dịch khử trùng và lau rửa. Đối với tay nắm tủ lạnh, nên có dung dịch vệ sinh riêng.


Đầu vòi nước sẽ tích tụ cặn bẩn sau một thời gian sử dụng, vì thế nên làm sạch định kỳ. Ảnh: OJO RF

Kệ tủ bếp

Một số gia đình làm kệ bếp kịch trần sẽ tránh được bụi bẩn. Ngược lại có những nhà làm hở kệ tủ để thông thoáng, song cũng vì thế phần nóc kệ tủ khuất tầm nhìn sẽ thành nơi tích bụi trong nhà.

Bạn hãy làm sạch thường xuyên bằng các dung dịch có khả năng tẩy dầu mỡ.

Bồn tắm

Nước đọng trong bồn sau khi tắm có thể tạo cơ hội cho nấm mốc, vi khuẩn tụ cầu phát triển.

Hãy lau khô bề mặt bồn hoặc vòi hoa sen sau mỗi lần sử dụng. Đồng thời khử trùng thường xuyên, tối đa ba lần mỗi tuần đối với các bồn tắm được nhiều thành viên trong gia đình sử dụng.

Bên trong tủ lạnh

Những hộp chứa đồ ăn, thức ăn thừa từ lâu bị lãng quên, rau, thịt sống... trộn lẫn trong một không gian. Tủ lạnh là một trong những nơi sản sinh nhiều vi khuẩn nhất trong nhà.

Nửa tháng một lần, hãy bỏ hết thực phẩm ra, tháo các kệ ra ngoài để làm sạch trong bồn rửa. Phần còn lại của tủ lạnh nên được lau bằng nước ấm hoặc dung dịch làm sạch chuyên dụng cho tủ lạnh. Sau khi lau sạch, lắp các kệ và đưa thực phẩm trở lại như cũ.

Bồn rửa chén

Do thức ăn lẫn trong môi trường ẩm ướt, bồn rửa chén nhà bếp có thể bẩn hơn bồn cầu.

Vì thế, không chỉ rửa bồn bằng xà phòng sau một lần sử dụng, mà cần làm sạch chuyên sâu hơn. Hàng tuần dùng các dung dịch chuyên dụng hoặc baking soda với giấm để rửa bồn. Sau khi rửa sạch nên lau khô, vừa sạch lại bảo vệ bồn bền đẹp hơn.

Tường toilet

Môi trường ẩm ướt là nơi sinh sôi nấm mốc. Chỉ cần để ý sau vài ngày ẩm, tường nhà tắm của bạn đã mốc đen.

Để làm sạch, hãy xịt các loại xà phòng hoặc chất tẩy rửa lên tường, để vài phút rồi cọ rửa lại.

Điều khiển từ xa

Hiếm nhà nào để ý làm sạch điều khiển. Vật dụng dùng hàng ngày được tích tụ bẩn qua năm tháng, khiến đây trở thành một trong những đồ vật chứa nhiều vi khuẩn nhất trong nhà.

Sử dụng khăn lau khử trùng để làm sạch điều khiển. Dùng tăm bông cọ qua các nút để loại bỏ bụi bẩn.

Bảo Nhiên (Theo BHG)

Tin liên quan