• Chia sẻ qua Zalo
  • Chia sẻ FB
  • Góp ý & Báo lỗi
  • Bình luận0

Đặc sản vải trứng Hưng Yên - cung không đủ cầu

Với nhiều đặc điểm tốt cùng vị ngon đặc biệt, những năm gần đây, quả vải trứng Hưng Yên ngày càng được nhiều người biết đến tìm mua.


Vải trứng Hưng Yên tại xã Phan Sào Nam (Phù Cừ) được đóng hộp trước khi xuất bán

Có mặt tại khu vườn rộng hơn 1 mẫu trồng vải trứng Hưng Yên của gia đình ông Mai Văn Diện ở thôn Ba Đông, xã Phan Sào Nam (Phù Cừ) đúng vào ngày thu hoạch. Cầm trên tay những chùm vải quả to, chín đỏ rực, ông Diện phấn khởi cho biết, gia đình trồng giống vải trứng cách đây hơn 20 năm, quy mô diện tích ngày càng được mở rộng, đến nay đạt hơn 1 mẫu. Vụ này, ước sản lượng vải của gia đình ông thu được 6 -7 tấn quả, tăng hơn 2 lần, giá bán bình quân đạt 100-130 nghìn đồng/kg, loại chọn giá 150 nghìn đồng/kg, tăng 20 – 30 nghìn đồng/kg so với vụ trước. Vải được chứng nhận VietGAP, chất lượng tốt, hình thức mã quả đẹp, được đóng hộp trước khi đến khách hàng. Từ cuối tháng 3, đầu tháng 4 đã có khách hàng quen đặt mua với khối lượng lớn nhưng gia đình không đủ sản lượng bán. Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, công tác tại Viện Thú y quốc gia (Hà Nội) cho biết: Năm nào tôi cũng chủ động đặt mua vải trứng Hưng Yên từ rất sớm, vừa để thưởng thức, vừa làm quà tặng, đồng thời để giới thiệu, quảng bá với bạn bè, đồng nghiệp về đặc sản Hưng Yên quê mình. Qua phản hồi của những người được thưởng thức, họ luôn đánh giá cao về chất lượng, giá trị vải trứng Hưng Yên và mong muốn sản phẩm này được bán nhiều và rộng rãi hơn nữa.

Ông Vũ Đình Binh, Phó Chủ tịch UBND xã Phan Sào Nam cho biết: Đến nay, toàn xã đã chuyển đổi đất gieo cấy lúa sang trồng vải trứng được 125ha, diện tích đang cho thu hoạch 50ha, trong đó 12ha của HTX Quyết Tiến (xã Phan Sào Nam) đã được chứng nhận VietGAP, diện tích còn lại được sản xuất theo quy trình VietGAP. Nhiều hộ trồng với diện tích từ 1 ha trở lên, đã và đang có thu nhập khá, điển hình như hộ các ông: Nguyễn Văn Vì, Mai Văn Diện, Mai Văn Việt, Nguyễn Đình Chiến… Năm nay, thời tiết thuận lợi, kết hợp với kỹ thuật thâm canh của người dân nâng lên, do đó vải trứng Hưng Yên được mùa, được giá. Từ đầu tháng 6, một số hộ bắt đầu thu hoạch, sản lượng quả ước đạt 45 tấn, tăng 17 tấn so với vụ trước. Ngoài tiêu thụ nội địa, vụ này, Hợp tác xã nông nghiệp Quyết Tiến liên kết với doanh nghiệp, dự kiến xuất khẩu 1 tấn vải trứng Hưng Yên sang Nhật Bản.

Theo phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phù Cừ, cây vải trứng Hưng Yên có nguồn gốc từ cây vải tổ khoảng 150 tuổi của gia đình ông Nguyễn Văn Vì ở thôn Ba Đông, xã Phan Sào Nam. Do hợp thổ nhưỡng nên cây vải này năm nào cũng cho quả to, mã đẹp, vị ngọt thơm đặc biệt khác hẳn các loại vải khác. Từ cây vải này, đến nay, cây vải trứng Hưng Yên được trồng nhiều ở các xã Phan Sào Nam, Minh Tân, Đoàn Đào, thị trấn Trần Cao với tổng diện tích khoảng 220ha, trong đó có 95ha đang cho khai thác quả. Ưu thế vượt trội của giống vải này là khi chín vỏ mỏng, có màu đỏ tươi, cùi dày, vị ngọt sắc, quả to, chín sớm, giá bán cao... Nhiều hộ nông dân chăm sóc cây vải trứng theo quy trình VietGAP, bảo đảm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.

Giờ đây, giống cây vải trứng Hưng Yên còn được phát triển rộng sang các địa phương khác trong tỉnh và trở thành cây làm giàu của nhiều hộ dân. Ông Đoàn Văn Hiểu ở thôn Bình Nguyên, xã Đa Lộc (Ân Thi) cho biết, từ việc mua và nhân giống cây vải tổ của gia đình ông Nguyễn Văn Vì ở xã Phan Sào Nam (Phù Cừ), đến nay gia đình ông đang quản lý, khai thác hơn 2ha vải trứng, trong đó 3,5 sào đã cho thu hoạch, dự kiến sản lượng vụ này đạt 3,5 tấn, tăng 20% so với vụ trước, diện tích còn lại là cây ghép mầm trên gốc vải lai chín sớm, mới trồng 1,5 năm, vụ này cho thu 0,5 tấn. Từ ngày 30.5, vườn vải của ông Hiểu bắt đầu cho thu hoạch nhưng không đủ sản lượng đáp ứng nhu cầu của khách.

Theo tổng hợp từ Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện nay, diện tích cây vải trứng Hưng Yên toàn tỉnh ước đạt 230ha, trồng chủ yếu tại huyện Phù Cừ và một phần ở huyện Ân Thi. Để khuyến khích người dân phát triển, nâng cao giá trị của cây vải trứng Hưng Yên, tỉnh đã ban hành kế hoạch, chỉ đạo các sở, ngành liên quan và huyện Phù Cừ trích kinh phí hỗ trợ ghép mầm vải trứng trên gốc vải lai chín sớm đối với những diện tích trồng mới, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật thâm canh vải, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ, kết nối doanh nghiệp với nhà vườn, hợp tác xã để tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh, trong đó có vải trứng Hưng Yên.

Tin liên quan