• Chia sẻ qua Zalo
  • Chia sẻ FB
  • Góp ý & Báo lỗi
  • Bình luận0

Mùa sen nở ở Phù Cừ

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tăng hiệu quả kinh tế, những năm trở lại đây, nông dân huyện Phù Cừ đã cải tạo diện tích đất trồng lúa kém năng suất, các vùng ao, hồ, đầm... để canh tác cây sen.

Nông dân Phù Cừ thu hoạch sen

Là một trong những người tiên phong và có nhiều kinh nghiệm trồng sen, ông Vũ Văn Thiết ở thôn An Cầu, xã Tống Trân hiện sở hữu trên 2ha sen. Những ngày hè thời tiết nắng nóng nên từ sáng sớm ông Thiết đã chèo thuyền xuống đầm thu hoạch sen. Năm nay thời tiết thuận lợi và chăm sóc tốt nên cây sen phát triển mạnh, ra nhiều hoa, bát sen to, hạt mẩy đều, sản lượng ước thu khoảng 4 tấn. Với giá bán trung bình 65.000 đồng/kg hạt sen khô, dự kiến năm nay gia đình ông thu nhập trên 250 triệu đồng.

Hơn 10 năm kinh nghiệm trồng sen, ông Thiết cho biết: Đây là loại cây trồng có rất nhiều ưu điểm: Xuống giống một lần có thể thu trong nhiều năm, thời gian thu hoạch ngắn, dễ chăm bón, ít sâu bệnh và đầu ra ổn định. Tuy nhiên, cây sen trồng trên ruộng sẽ khác với trồng trong đầm, ao, hồ, người trồng cần nắm chắc kiến thức về chu kì sinh trưởng, phát triển và thu hoạch của nó, đặc biệt chú ý chất đất để điều chỉnh chế độ dinh dưỡng. Đồng thời thường xuyên cắt tỉa lá già để cây quang hợp tốt hơn. 

Không chỉ tận dụng ao, đầm, hồ để trồng sen, vài năm gần đây, nông dân trên địa bàn huyện Phù Cừ còn mạnh dạn chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng sen. Chỉ cần đắp bờ xung quanh để giữ nước và không làm thay đổi quá nhiều kết cấu ruộng cấy lúa nên chi phí đầu tư ban đầu khá thấp... Để tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích đất, ngoài trồng sen, nhiều hộ dân còn kết hợp nuôi thả cá. Giống cá được các hộ dân chọn để thả chủ yếu lá cá trê, cá quả, cá rô, cua... Ưu điểm của mô hình này là không cần phải đầu tư thức ăn cho cá. 

Xã Đình Cao hiện có diện tích trồng sen lớn nhất huyện Phù Cừ với gần 20ha, được trồng chủ yếu ở các diện tích hồ, đầm lớn của xã và một phần trên đất chuyển đổi. Trước đây, gia đình anh Hứa Đức Hạnh ở thôn Hà Linh chủ yếu canh tác lúa, nhưng nguồn thu nhập mang lại không cao. Nguyên nhân là do thời tiết biến đổi thất thường, sâu bệnh thường xuyên xảy ra, diện tích canh tác nằm ở vùng trũng nên ảnh hưởng nhiều đến năng suất, chất lượng. Với sự năng động, nhạy bén, anh Hạnh đã mạnh dạn đăng ký chuyển đổi, cải tạo diện tích ruộng cấy này thành những cánh đồng trồng sen cao sản kết hợp với thả cá, mang lại nguồn thu nhập ổn định.  

Anh Hạnh cho biết: Ban đầu, tôi chỉ trồng sen trên diện tích ruộng cấy của gia đình. Nhận thấy hiệu quả kinh tế, tôi thầu thêm ruộng của người dân trong xã để trồng cây sen, đến nay phát triển được trên 12ha. Hiện nay, gia đình tôi chủ yếu thu hoạch sen bánh tẻ, sau đó bóc vỏ, thông tâm rồi đóng gói hút chân không bán cho khách hàng. Giá bán buôn dao động 130.000 – 160.000 đồng/kg. Thị trường tiêu thụ từ Bắc vào Nam, rất thuận lợi. Vào vụ thu hoạch, gia đình tôi thường xuyên thuê trên 10 lao động thu hoạch sen và tách hạt. Mỗi năm, thu nhập từ sen và cá mang lại trên 500 triệu đồng, cao hơn nhiều so với cấy lúa. 

Hiện nay, diện tích trồng sen trên địa bàn huyện Phù Cừ có hơn 85ha, tập trung nhiều ở các xã Nhật Quang, Tống Trân, Đình Cao… Sản lượng hàng năm đạt trên 75 tấn hạt, mang lại giá trị kinh tế 2,5 – 3,5 tỷ đồng. Năm nay, vụ thu hoạch sen muộn hơn do ảnh hưởng của thời tiết, bắt đầu từ cuối tháng 6 và diễn ra khoảng 2 tháng. Với nhiều công dụng cho sức khỏe, hiện nay, các sản phẩm từ cây sen bán rất chạy, người trồng không phải lo tìm đầu ra mà được thương lái đến tận nơi đặt hàng, thu mua. Không chỉ bán hạt, hoa, các bộ phận khác của cây sen như: lá, củ, ngó cũng có thể bán được, tăng thêm thu nhập cho nông dân. 

Ông Bùi Quang Nam, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phù Cừ cho biết: Trồng cây sen đã mang lại những hiệu quả và lợi ích thiết thực, như tận dụng được diện tích đất thấp trũng để sản xuất, chống hoang hóa lãng phí, góp phần cải thiện môi trường tạo cảnh quan nông thôn và giúp tạo công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương. Trong thời gian tới, cùng với chính quyền các địa phương, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện sẽ hướng dẫn người trồng sen ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào quá trình sản xuất; hỗ trợ các cơ sở sơ chế, chế biến các sản phẩm từ sen nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm; tìm kiếm, phát triển các kênh tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân...

Tin liên quan