• Chia sẻ qua Zalo
  • Chia sẻ FB
  • Góp ý & Báo lỗi
  • Bình luận0

Nhiều trường lấy điểm chuẩn học bạ ở mức trung bình

Nhiều ngành học của Đại học Điện lực, Công nghệ Giao thông vận tải hay Kiến trúc lấy điểm chuẩn học bạ 18-19, tức chỉ từ 6 điểm mỗi môn.

Năm 2022, Đại học Điện lực tuyển 3.330 sinh viên bằng bốn phương thức gồm xét học bạ THPT, dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, điểm thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó, 1.250 chỉ tiêu được tuyển bằng phương thức xét học bạ và kết quả thi đánh giá năng lực.

Với xét tuyển bằng học bạ, Đại học Điện lực xét kết quả ba môn thuộc tổ hợp xét tuyển của năm lớp 10, 11 và kỳ I lớp 12. Điểm xét tuyển là tổng điểm trung bình từng môn qua các năm cộng điểm ưu tiên.

Hiện, trường đã công bố điểm chuẩn theo phương thức này. Trong khi một số ngành lấy điểm chuẩn khá cao như Công nghệ thông tin (26 điểm), Logistics và quản lý chuỗi cung ứng (25,5), nhiều ngành lấy 18, tức trung bình 6 điểm mỗi môn là trúng tuyển mà không cần đến điểm ưu tiên, chẳng hạn Quản lý năng lượng, Kỹ thuật nhiệt, Công nghệ kỹ thuật năng lượng, Công nghệ kỹ thuật môi trường. Ngành Quản lý công nghiệp lấy nhỉnh hơn một chút -19 điểm.

Mức 18 điểm đúng bằng mức thấp nhất để trường nhận hồ sơ, theo thông báo trong đề án tuyển sinh ban hành ngày 23/6. Việc không kèm thêm điều kiện gì khác đồng nghĩa học sinh đạt học lực trung bình cũng có thể trúng tuyển.

Điểm đủ điều kiện trúng tuyển từng ngành như sau:




Đại học Kiến trúc Hà Nội tuyển 2.280 chỉ tiêu, trong đó một số ngành có áp dụng xét tuyển học bạ năm kỳ đầu bậc THPT với tổng chỉ tiêu theo phương thức này là 205.

Bảy trong tám ngành/chuyên ngành xét tuyển bằng học bạ lấy điểm trúng tuyển là 19, tức hơn 6,3 điểm mỗi môn. Mức này được xác định dựa vào tổng điểm trung bình chung ba môn trong tổ hợp xét tuyển thuộc 5 học kỳ đầu tiên bậc THPT cộng điểm ưu tiên. Chỉ ngành Quản lý dự án xây dựng lấy lên 23,5 điểm.


Đại học Công nghệ Giao thông vận tải tuyển 1.255 chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển học bạ kết hợp. Thí sinh đủ điều kiện xét tuyển bằng phương thức này khi có điểm tổ hợp xét tuyển cả lớp 12 đạt từ 18 trở lên. Ngoài ra, thí sinh được cộng từ 1 đến 3 điểm nếu đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Tin học, Tiếng Anh, Ngữ văn; có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương IELTS 5.0 trở lên; hoặc đạt từ một năm học sinh giỏi trở lên bậc THPT.

Với ba cơ sở tại Hà Nội, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc, tất cả ngành đào tạo tại Vĩnh Phúc và Thái Nguyên của trường lấy mức trúng tuyển là 19. Với cơ sở Hà Nội, mức thấp nhất là 20 và có tám ngành lấy mức này.

Dù nhiều ngành lấy điểm chuẩn với mức trung bình 6-7 một môn, một số ngành của Đại học Công nghệ giao thông vận tải đào tạo tại cơ sở Hà Nội vẫn lấy điểm trúng tuyển cao như Logisctics và quản lý chuỗi cung ứng (28,5), Công nghệ thông tin (28), Thương mại điện tử (28). Đây là những ngành được đánh giá "hot", cần nhiều nhân lực trong những năm gần đây.




Khác với năm ngoái, dù đã đạt mức điểm chuẩn, để chính thức trúng tuyển, thí sinh phải được công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng xét tuyển bằng học bạ lên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ 22/7 đến 20/8, cùng với nguyện vọng xét bằng các phương thức khác.

Đây là lưu ý mà mọi đại học đều nhấn mạnh với thí sinh, bởi thiếu một trong hai điều kiện này đồng nghĩa thí sinh từ bỏ quyền trúng tuyển. Trong trường hợp nhiều nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển, thí sinh chỉ được công nhận trúng tuyển và gọi nhập học theo nguyện vọng cao nhất.

Kết quả chính thức sẽ được các đại học công bố trước 17h ngày 17/9.

Tin liên quan