• Chia sẻ qua Zalo
  • Chia sẻ FB
  • Góp ý & Báo lỗi
  • Bình luận0

Toàn cảnh Ngoại giao đoàn về thăm, kết nối và giao lưu tại quê hương nhãn lồng Hưng Yên qua ảnh

Ngày 22/8, Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao và ngoại giao đoàn đã đến thành phố Hưng Yên - quê hương nhãn lồng tham quan, trải nghiệm, giao lưu và kết nối.



Tham gia đoàn thăm thành phố Hưng Yên có Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ; Đại sứ các nước: Palestine, Uruguay, Lào, Chile, Venezuela, Nam Phi…; và gần 100 đại biểu đại diện các sứ quán, tổ chức quốc tế và hiệp hội doanh nghiệp các nước, nhân viên đại sứ quán, các cơ quan báo chí trong và ngoài nước.



Tiếp đón đoàn có ông Phạm Huy Bình, Bí thư Thành ủy Hưng Yên, đại điện lãnh đạo UBND TP và các ban, ngành của TP Hưng Yên. Tại buổi tiếp, Bí thư Thành ủy Hưng Yên Phạm Huy Bình giới thiệu tới các đại biểu những tiềm năng, thế mạnh cũng như thành tựu phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá của Phố Hiến xưa, thành phố Hưng Yên hôm nay.



Bí thư Thành ủy mong rằng mảnh đất nhãn lồng tươi đẹp, con người Phố Hiến thân thiện, mến khách sẽ để lại những ấn tượng tốt đẹp với đoàn đại biểu quốc tế. Trong ảnh, đoàn thăm Văn Miếu Xích Đằng.



Văn miếu Xích Đằng hay còn gọi Văn miếu Hưng Yên, một di tích quan trọng trong Quần thể di tích Phố Hiến. Đây là nơi tôn vinh nền học vấn, triết lý bất hủ của dân tộc "hiền tài là nguyên khí quốc gia", trở thành một biểu tượng của văn hóa, văn hiến Hưng Yên.



Văn miếu Xích Đằng được khởi dựng từ thế kỷ 17 (thời hậu Lê) với quy mô ban đầu chỉ tương đối. Đến năm Minh Mạng thứ 20 (1839) triều Nguyễn cho xây dựng lại văn miếu với quy mô bề thế như hiện nay. Dấu tích còn lại là 2 mộ tháp đá: Phương Trượng Tháp và Tịnh Mãn Tháp. Từ khi hình thành đến hết giai đoạn nhà Nguyễn, văn miếu Xích Đằng vừa là nơi tổ chức các kỳ thi tuyển, vừa là nơi bái tế các bậc hiền nho vào mỗi dịp “xuân thu nhị kỳ” hàng năm.



Trải qua thăng trầm lịch sử, văn miếu Xích Đằng đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1992. Đây là một trong 6 văn miếu còn tồn tại cho đến ngày nay của đất nước, và là một trong 2 văn miếu lâu đời nhất, đứng sau văn miếu Quốc Tử Giám ở Hà Nội.



Cổng Tam quan hay còn gọi Nghi môn văn miếu Xích Đằng, được xây dựng đồ sộ theo lối kiến trúc chồng diêm, hai tầng tám mái có lầu gác. Hai bên tam quan có hai bục loa, dùng để xướng danh sĩ tử và thông báo những quy định trong các kỳ thi trước đây.



Phía trong là khoảng sân rộng, giữa sân là đường thập đạo, hai bên có lầu chuông và lầu khánh cùng 2 dãy tả vu, hữu vu. Hai dãy nhà này hiện được dùng để trưng bày các hình ảnh, hiện vật liên quan đến giáo dục và các di tích lịch sử của tỉnh Hưng Yên. Các đại biểu nghe giới thiệu về Văn Miếu Xích Đằng.



Khu nội tự văn miếu Xích Đằng được xây kiểu chữ Tam, gồm: tiền tế, trung từ và hậu cung, kiến trúc giống nhau theo kiểu vì kèo trụ trốn. Hệ thống mái theo kiểu “trùng thiềm địa ốc”. Nội thất tỏa sáng với hệ thống các đại tự, câu đối, cửa võng và các cột kèo sơn son thếp vàng.



Ngày nay, văn miếu Xích Đằng thờ Khổng Tử, người được suy tôn là “vạn thế sư biểu”, và các bậc chư hiền của Nho gia. Riêng nhân vật được đặt thờ ngay chính giữa khu đại bái của văn miếu là Chu Văn An, người thầy giáo mẫu mực thời Trần.



Các thành viên trong Ngoại giao đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Cổng Tam quan hay còn gọi Nghi môn văn miếu Xích Đằng.



Ngay sau đó, đoàn đã đến tham quan và trải nghiệm tại vườn nhãn tại hộ ông Bùi Xuân Tám, Giám đốc HTX sản xuất nhãn lồng Nễ Châu, nơi có giống nhãn “Cùi cổ” đầu tiên ở Hưng Yên.



Ông Tám cho biết, đây là giống nhãn được chọn lọc tự nhiên và được phát hiện tại vườn vào trước những năm 1990 với chất lượng nhãn ngon, vỏ quả nhãn dày cứng, có màu vàng sáng, nhẵn, cùi có màu trắng đục vân thứa dọc theo cùi, cùi dày, phần cuối của quả cùi được xếp lồng lên nhau, ăn có vị ngọt sắc, giòn tan (không dai), ăn xong có hậu vị hương mật ong ở cổ họng...



Đại sứ Nam Phi Vuyiswa Tulelo nghe giới thiệu về giống nhãn cổ tại vườn.



Ông Phạm Huy Bình, Bí thư Thành ủy Hưng Yên cũng tranh thủ giới thiệu sản phẩm nhãn đến bạn bè quốc tế.



Các thành viên trong ngoại giao đoàn hào hứng thưởng thức sản vật quê hương nhãn lồng, vừa tranh thủ chụp ảnh lưu niệm.





Hoặc tranh thủ selfie...



Theo tìm hiểu của phóng viên, người dân địa phương đã áp dụng công nghệ trong trồng và chăm sóc nhãn theo quy trình VietGAP nhằm xây dựng vùng nguyên liệu tốt, tạo ra những sản phẩm uy tín, bảo đảm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm khi đến tay người tiêu dùng.



Đoàn đã đến tham quan và trải nghiệm tại vườn nhãn tại hộ ông Bùi Xuân Sử, nơi áp dụng mô hình ứng dụng chế phẩm nano bạc S500 trong sản xuất sản phẩm nhãn an toàn.



Ông Sử cho biết, mô hình này được thực hiện trong vùng sản xuất an toàn để xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.




Các thành viên trong đoàn ngoại giao bày tỏ hào hứng được đến thăm vườn nhãn gia đình nhà ông Sử -nơi có hơn một mẫu nhãn nằm trong khu vực được cấp mã vùng xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Vụ này, ông Sử và một số hộ trong tổ hợp tác sản xuất nhãn cung cấp gần một tấn quả tươi cho doanh nghiệp xuất sang Mỹ chào hàng.



Phát biểu tại buổi giao lưu gặp gỡ, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết, tiếp nối thành công các sự kiện hỗ trợ xúc tiến đầu tư, thương mại, quảng bá du lịch địa phương thời gian qua, Bộ Ngoại giao rất vui mừng phối hợp với thành phố Hưng Yên tổ chức chương trình giao lưu quốc tế dành cho các Cơ quan đại diện ngoại giao, các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, Hiệp hội du lịch nước ngoài tại Việt Nam nhân mùa thu hoạch trái Nhãn lồng - đặc sản tiến Vua.



Trợ lý Bộ trưởng đánh giá cao sáng kiến và tâm huyết của lãnh đạo thành phố Hưng Yên mời đoàn khách quốc tế về giao lưu, kết nối ngày hôm nay; khẳng định đây là một sự kiện có ý nghĩa, giúp thành phố giới thiệu, quảng bá văn hoá, du lịch, con người và sản vật tiêu biểu của thành phố đến với bạn bè quốc tế. Những sản vật được giới thiệu đến bạn bè quốc tế hôm nay không chỉ xây dựng thương hiệu và bản sắc của Thành phố mà đang trở thành những mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của tỉnh ra thị trường khu vực và quốc tế.



Kết thúc chương trình giao lưu, Lãnh đạo TP Hưng Yên đã trao quà cho các đại biểu quốc tế. Chắc chắn rằng, một TP Hưng Yên vừa mang trong mình giá trị văn hóa truyền thống, vừa là đô thị năng động, hiện đại, vừa có loại trái cây đặc sản tiến vua ngon nức tiếng-Nhãn lồng; vừa giàu lòng mến khách... sẽ đọng lại mãi trong tâm trí của các đại biểu quốc tế.

Tin liên quan